Căng thẳng, stress cũng gây nên tình trạng nám sạm da
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội): Nắng nóng, chỉ số tia UV (tia cực tím) cao, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến làn da. Những người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu sẽ để lại những thương tổn như nám má, sạm da, bỏng da, lão hóa sớm, nguy hiểm hơn có thể gây ung thư da. Mặc dù những bệnh này là những thương tổn lành tính, không ảnh hưởng tới sức khỏe và thể chất, nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh có tâm lý tự ti, tác động tới tinh thần của người mắc.
“Khi làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, trong đó tia UVA, UVB sẽ làm cho lớp da thượng bì và trung bì kích thích sản sinh thêm melanin - chất sắc tố bảo vệ da. Nhưng nếu không biết cách bảo vệ và chăm sóc da, hoặc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời sẽ làm oxy hóa lipid ở tế bào đáy làm giải phóng các gốc tự do, các chất này kích thích tế bào sắc tố melanin tăng mạnh - là yếu tố gây nám má, sạm da”, BS Phượng cho hay.
Bệnh viện Tuệ Tĩnh điều trị Đông Tây y kết hợp cho người bệnh nám sạm da.
Bác sĩ Phượng cho biết, ngoài tiếp xúc với mặt trời, tình trạng nám xuất hiện là do yếu tố gen di truyền (chiếm 30%). Hormon cũng là nguyên nhân gây nám sạm đối với một vài trường hợp, đặc biệt ở phụ nữ có thai. Nồng độ các hormone Estrogen, Progesteron và hormone kích thích tế bào sắc tố. Bên cạnh đó, rối loạn nội tiết tố là tình trạng lên xuống thất thường của hormone, đặc biệt là hormone có tính chất đối kháng với sắc tố melanin. Khi tình trạng này kéo dài, nồng độ melanin vượt ngưỡng bình thường sẽ xuất hiện dấu hiệu sạm da. Các vị trí thường thấy là sống mũi, gò má, bàn tay, da cổ. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy những người làm việc ở nhà máy hóa dầu, nhà máy nước hoa, tiếp xúc thường xuyên với dầu mỡ có tỷ lệ nám má cao hơn những người làm việc ở môi trường khác.Bệnh nám má thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên và ở tuổi tiền mãn kinh, đôi khi tổn thương xuất hiện cả ở độ tuổi dậy thì do yếu tố di truyền. Gần đây Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp nhận nhiều bệnh nhân nám má do thói quen sử dụng mỹ phẩm không đúng cách và lạm dụng mỹ phẩm để chăm sóc da không theo tư vấn của bác sĩ da liễu. Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp do yếu tố công việc, thường xuyên bị căng thẳng, stress hoặc mất ngủ kéo dài cũng gây nên tình trạng nám, sạm da. Hoặc do một số bệnh lý khác cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây tình trạng nám má; hoặc do một số thuốc uống có thể gây ra tình trạng này như thuốc nội tiết hoặc 1 số viên uống tránh thai.
“Việc sử dụng kem chống nắng không đúng cách như dùng không thường xuyên, ngày dùng ngày không, bôi lượng không đủ, hoặc dùng nhiều loại kem chống nắng cùng lúc… cũng làm tăng nguy cơ nám, sạm da. Đặc biệt, việc sử dụng những sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại sản phẩm làm trắng cấp tốc hoặc các loại kem trộn,… cũng khiến cho da bị bào mòn. Vì thế, sau khi sử dụng những sản phẩm này sẽ thấy da sáng lên, bật tông nhưng sau thời gian dài sử dụng da sẽ sạm đi”, BS Phượng lý giải.
ThS.BS Nguyễn Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội).
“Sử dụng kem chống nắng thường xuyên giúp chống lại tác nhân gây bệnh và kích thích sản sinh tế bào sắc tố cũng như chất sắc tố melanin bảo vệ làn da. Việc sử dụng chống nắng liên quan đến chỉ số SPF, đến thời lượng, số lần thoa trong ngày hoặc kem có phù hợp với làn da không... Do vậy, cần được khám và tư vấn đúng bác sĩ chuyên khoa da liễu”. ThS.BS Nguyễn Thị Phượng |
Điều trị kết hợp Đông Tây y
Cách đây 2 năm, bệnh nhân L.T.M (35 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) thấy 2 gò má xuất hiện những đốm nhỏ nám sạm. Chị M đã sử dụng kỹ thuật bắn laser và dùng nhiều mỹ phẩm đắt tiền nhưng vết nám vẫn không hết. Gần đây, chị bị mất ngủ mãi không khỏi dù uống thuốc Tây y rất nhiều nên chị chuyển sang Bệnh viện Tuệ Tĩnh để điều trị Đông Tây y kết hợp. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán và loại trừ nguyên nhân, đồng thời chị L.T.M được bác sĩ thăm khám theo phương pháp y học cổ truyền, chị được kết luận do khí huyết hư, can khí uất kết kèm huyết ứ gây ra tình trạng rối loạn lo âu, stress. Điều này càng khiến làn da nám sạm thêm.
Phương pháp laser, kết hợp điều trị phục hồi da và dùng biệt dược đặc trị ức chế melanin tại chỗ làm trẻ hóa làn da.
“Phụ nữ sau sinh đẻ, hoặc ở phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, rối loạn lo âu, căng thẳng stress là một phần do can huyết kém, can thận hư cũng khiến da nám sạm. Với những bệnh nhân như chị M, hoặc bệnh nhân tự ý dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc tự ý điều trị một số thuốc bôi quá lâu dài dẫn đến tăng sắc tố da, sạm da. Hoặc các trường hợp đã dùng quá nhiều phương pháp để điều trị làm da yếu đi và tình trạng nám sạm đậm hơn bình thường... thì chúng tôi lựa chọn phương pháp điều trị kết hợp giữa Đông y và Tây y. Tức là chọn lọc những ưu điểm của 2 nền y học hiện đại và cổ truyền để phục hồi làn da cho người bệnh làm sao cho có hiệu quả nhất - nghĩa là áp dụng những kỹ thuật cao trong thẩm mỹ như: laser, điều trị phục hồi da và dùng biệt dược đặc trị ức chế melanin tại chỗ làm trẻ hóa làn da; Đồng thời kết hợp đắp thuốc, sử dụng thuốc bôi bên ngoài và thuốc uống Đông y để cân bằng khí huyết bên trong. Người bệnh không nên sốt ruột, cần duy trì điều trị từ 3-6 tháng, bệnh sẽ cải thiện rõ rệt”, ThS.BS Nguyễn Thị Phượng cho hay.
Bác sĩ Phượng cũng lưu ý, nám sạm da do nhiều nguyên nhân gây nên vì vậy cần tránh được những tác nhân từ bên trong và bên ngoài như: Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời; Sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da theo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa da liễu, không nên tự ý dùng bừa bãi các sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc; Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc khi mắc một số bệnh lý kèm theo. Thoa kem chống nắng thường xuyên; Giữ tinh thần luôn vui vẻ, tránh căng thẳng, stress; Giữ cơ thể luôn mạnh khỏe và bổ sung những nhóm vitamin hỗ trợ tốt cho da như vitamin C, E, B…; Chăm sóc da thường xuyên để có làn da khỏe sẽ hạn chế tình trạng nám, sạm da./.
Hương Giang
Nguồn: Báo Tiếng Nói Việt Nam